Nói oan gia cũng hơi quá, vì tôi và anh không phải người nhìn mặt nhau thì không sống nổi với nhau. Sống trong cùng một thành phố, lại cùng quận, gặp nhau vài lần là không tránh khỏi. Chỉ là gần ba năm nay, tôi không gặp anh nữa. Chẳng hiểu sao từ cái hôm gặp ở siêu thị đến giờ lại đụng mặt nhiều như vậy.
Tôi gật đầu cười chào với anh rồi tỏ ra lạnh nhạt. Chỉ có Yến mới biết được là trong lòng tôi để tâm. Cô ta thi thoảng lại bật cười khiến tôi đỏ bừng mặt.
Thành thì khác, anh ta nhìn tôi từ đầu cho đến lúc tôi đi khỏi mới thôi. Ánh mắt ấy khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Việc anh nhìn công khai như vậy chứng tỏ điều gì? Vẫn còn tình cảm với tôi sao? Nhưng chuyện đó đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi mà.
Tôi và Yến đăng ký một lớp vào buổi chiều tối, để lệch giờ tập với Thành. Đó là cách tốt nhất để tôi không rơi vào hoàn cảnh khó xử.
Yến bảo:
- Sao phải sợ ông ấy, mày có chồng rồi thì cứ mặc kệ thôi.
Tôi không đáp lại. Gặp người cũ thì thường khó nói. Mình mặc kệ nhưng người ta có mặc kệ được hay không lại là một chuyện khác. Cuộc sống của tôi giờ đây cũng khá là khó khăn rồi, tôi không muốn có thêm bất cứ điều gì trắc trở nữa.
Nhưng người tính không bằng trời tính, khi tôi đăng ký lớp chiều tối, Thành lại cố tình chuyển buổi tập khiến tôi đau đầu. Dù tôi có làm mọi cách né tránh cũng không thoát khỏi anh ta. Tôi thấy hơi khó hiểu, định nói chuyện nhưng lại sợ anh hiểu lầm là tôi vẫn còn vương vấn. Cứ dùng dằng mãi cho đến khi tuần đầu tiên kết thúc, tôi bảo với Yến rằng:
- Mày gọi ông Thành ra giúp tao được không?
- Sao phải là tao gọi?
- Tao ra e là không tiện. Mày lựa lời hỏi ông ấy xem sao phải chuyển ca học cùng với tao làm gì?
Gặp người cũ thì thường khó nói. Mình mặc kệ nhưng người ta có mặc kệ được hay không lại là một chuyện khác. (Ảnh minh hoạ)
Chúng tôi đánh mắt qua Thành, anh đang nghịch điện thoại nên không để ý đến ánh nhìn của chúng tôi. Yến cười:
- Mày có chồng, anh ta có vợ. Cứ ra mà nói chuyện như những người bạn thôi.
- Làm ơn giúp tao đi, không thì tao sẽ phải nghỉ học mất.
Yến thở dài, cuối cùng cũng phải chấp thuận lời khẩn cầu của tôi.
Cô ta “thiết kế” cho chúng tôi một buổi nói chuyện dưới tầng hầm gửi xe. Nhưng tôi đợi mãi vẫn chẳng thấy anh xuống. Hoá ra anh ta đã về từ lúc nào. Cái kiểu nửa vời của anh khiến tôi tức lắm, nhưng không biết tức vì điều gì. Có lẽ tôi cũng không nên cố gắng rõ ràng với anh làm gì. Càng rõ ràng thì mọi chuyện sẽ càng thêm phức tạp. Cái gì cho qua được thì thôi.
…
Buổi tối, tôi mua đồ về nấu cơm thì đã thấy Việt đứng trong bếp bận rộn nấu nướng. Bao nhiêu mệt mỏi và buồn phiền dịu đi trong phút chốc. Tôi bước thật nhẹ đến rồi ôm anh từ phía sau. Tôi không biết phải nói gì hơn cả. Tôi yêu người đàn ông này, nếu không phải vì mẹ anh thì cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ trọn vẹn biết bao.
Việt quay người lại, mỉm cười đẩy đầu tôi ra:
- Cẩn thận không ám mùi hành mỡ vào bây giờ.
Tôi càng ôm chặt anh hơn, nũng nịu:
- Mặc kệ!
Anh cười vì điều đó, bảo:
- Anh xin lỗi vì hôm qua đã nặng lời với em. Cũng tại vụ thương thảo lần này không thuận lợi cho lắm.
- Vâng, em hiểu mà. Chúng ta đều quá áp lực.
Việt đặt đôi đũa xuống, nhìn tôi thật lâu và bảo:
- Đợi cho Khoai lớn thêm tí nữa, anh sẽ giúp em đưa nó trở về, được không?
- Anh không sợ em sẽ hại con sao?
Sắc mặt Việt hơi biến đổi, anh hiểu tôi đang nói về điều gì.
- Đó cũng chỉ là lời nói trong lúc say thôi. Em đừng để tâm.
Tôi cúi đầu xúc động. Đàn ông đúng là chỉ cần mềm mỏng với họ một tí là được. Nếu lửa đã cháy quá to, bạn càng góp thêm lửa thì đám cháy sẽ lan rộng khiến tất cả biến thành tro bụi.
Hai vợ chồng trước giờ không đặt ra một tiêu chuẩn nào cho nhau, chúng tôi sống bên nhau mà ít khi phải thấy khó chịu vì cách sống của đối phương khác mình. Thi thoảng Việt vẫn bảo tôi nên ra ngoài chơi, anh sẽ đưa cho tôi tiền. Nhưng tôi không muốn. Từ lúc sinh nở xong, tôi rất dễ buồn và nhạy cảm với những nơi chốn đông người. Bác sĩ nói tôi bị trầm cảm nhẹ sau sinh, nhưng mà triệu chứng trầm cảm này đã kéo dài được gần ba năm qua rồi.
Việt mua cho tôi một cái đầu nghe băng đĩa, anh nói cũng không nên tiếp cận máy tính điện thoại nhiều. Ở nhà đọc sách nghe nhạc sẽ tốt hơn. Dân trí thức như anh rất để tâm đến mấy chuyện bồi dưỡng tâm hồn. Nhưng đó cũng là một khác biệt giữa chúng tôi. Và anh coi đó là một điểm hơn tôi. Lúc nào anh cũng coi tôi là một kẻ kém cỏi trong mọi cuộc tranh luận.
Giả dụ như việc sau khi ăn cơm xong, chúng tôi nói về chuyện có con lần nữa. Tôi bảo có nên đi khám hay không thì anh gạt đi. Anh đưa ra rất nhiều những bằng chứng về thực phẩm, tập tục sinh hoạt của hai vợ chồng và lần sinh con đầu tiên đầy thuận lợi của chúng tôi rồi đưa ra kết luận, chỉ là do thời điểm chưa tới.
Tôi cũng không muốn tranh luận, chỉ lảng sang việc khác. Nhưng việc khác mà chúng tôi nói đến lại là về Khoai.
Tôi bảo:
- Khoai đã đến tuổi đi nhà trẻ, anh nói mẹ tìm cho con một nhà trẻ tốt tốt. Tư cũng được. Tiền bạc không thành vấn đề đâu.
Việt khó chịu quay sang đáp:
- Thế em đang nghĩ mẹ kẹt với cháu của mẹ lắm hả?
Tôi hoàn toàn không có ý đó. Anh nói tiếp:
- Với lại mẹ bảo đợi đến bốn tuổi rồi đi. Đi bây giờ chỉ tổ lây chấy lây ghẻ chứ được gì?
- Ơ kìa, cho nó đi để nó học tính cộng đồng, có bạn bè chơi vui. Cứ chơi với bà nội mãi sao được. Phải cho nó khám phá thế giới bên ngoài nữa chứ.
- Không cần, một mình mẹ là được. Muốn khám phá thì ra vườn, ra đường chơi mỗi chiều.
Trong mọi cuộc tranh luận, anh luôn muốn là người thắng. Tôi thì không quan trọng lắm chuyện đó, nên khi cảm thấy nó sắp bị đẩy lên cao, tôi đều im lặng. Song, tôi không nhẫn nhịn. Tôi âm thầm tự mình làm rồi đến đâu thì đến. Việt đi làm cả ngày, làm sao quán xuyến hết được mọi việc. Những chuyện con cái thế này tôi làm vẫn hơn.
Nghĩ thế, sáng hôm sau tôi sang nhà mẹ chồng sớm. Hôm nay cũng là thứ bảy nên tôi hoàn toàn có quyền đến. Mẹ tôi vẫn chưa dậy, ấn chuông mãi mới thấy bố chồng ra mở.
- Sang sớm quá thế?
Tôi cười lễ phép:
- Vâng. Khoai đâu hả bố?
- Nó đi chợ với bà nội rồi.
- Đi chợ sớm thế ạ? Sao không để nó ngủ thêm?
- Mẹ mày bảo là phải tập cho nó cái tính cần cù từ bé. Chả biết bà học ở đâu, người ta bảo ba tuổi là trẻ bắt đầu có nhận thức, biết để ý rồi, lúc này rèn nắn là tốt nhất nên bà bắt đầu thiết lập chế độ kỷ luật cho nó.
Tôi cau mày:
- Chết, kỷ luật thì kỷ luật nhưng nó vẫn là trẻ con. Phải kỷ luật theo kiểu trẻ con chứ ạ?
- Ai mà biết! - Bố chồng tôi buông ra một câu rồi đi vào trong nhà.
Khoảng ba mươi phút sau thì tôi nghe thấy tiếng Khoai ngoài cổng. Lập cập chạy ra bế con lên, tôi vui mừng quá đỗi quên luôn cả chuyện mẹ chồng đang thiết lập chế độ kỷ luật gì đó cho nó.
- Gớm, làm loạn mãi rồi hôm nay lại vác cái mặt sang sớm nhỉ? - Mẹ chồng tôi đặt cái làn xuống, đến bế Khoai từ trên tay tôi. Bà buông một câu rồi đi vào nhà - Xách thức ăn vào đi.
Trong làn là một đống các loại thứ rau củ quả, cùng với đó là khoảng ba lạng thịt ba chỉ. Tôi nhìn theo bà, rõ ràng là bà biết hôm nay tôi đến đây ăn cơm mà chỉ mua có thế này.
Vừa vào nhà, mẹ chồng ngồi trên ghế, ôm Khoai và bảo:
- Chợ búa giờ đắt đỏ, mua cái gì cũng phải kì kèo từng nghìn một. Thanh, con nấu cho thằng Khoai nồi cháo, nhạt thôi, mặn nó ăn vào hại thận. Với lại tí con đưa tiền mẹ mua sữa cho Khoai nữa, sữa của Khoai hết rồi.
Tôi vâng dạ, xách đồ vào bếp chuẩn bị đồ thì mẹ chồng tôi ở bên ngoài lại thở dài bảo:
- Thằng con trai tôi đúng là số vất vả, ngày nghỉ cũng phải đi làm nữa.
- Anh ấy đâu có làm nhà nước hả mẹ.
- Thì thế mới bảo số vất vả.
Đúng lúc ấy tôi thấy ở đằng sau mình có ai đó giật giật ống quần, quay lại thì thấy bé Khoai đang bi bô gọi:
- Mẹ, mẹ…
Không ai hiểu được cảm giác đó của tôi, chỉ là một hành động rất đỗi bình thường thôi nhưng tôi lại xúc động đến nỗi bật khóc.
Quỳ một chân xuống bế Khoai lên, tôi nựng nó đến nỗi muốn ghì tan nó vào lòng:
- Khoai ngoan của mẹ, tí nữa mẹ cho Khoai đi chơi nhé?
Khoai vỗ tay cười.
Tôi ra nói với mẹ chồng:
- Mẹ ơi con cho Khoai đi công viên một chút.
- Không đi đâu cả - Mẹ chồng trả lời dứt khoát.
- Hôm nay là thứ bảy mà. Cho cháu ra ngoài một chút, sẽ không sao đâu ạ.
- Đợi thằng Việt về rồi nó đưa đi, mày chớ có làm liều
Tôi lại thấy khó chịu với bà:
- Anh ấy đi làm biết bao giờ mới về? Chỉ đi quanh quẩn đâu đây thôi, con cũng không lái xe, mẹ sợ cái gì chứ?
- Sợ cái gì à? Tao sợ mày đấy.
- Con là mẹ của Khoai, con thích đưa nó đi đâu là quyền của con.
Mẹ chồng tay chống nạnh, mắt trợn lên:
- Á à, lại bắt đầu giở cái giọng đó ra với tao. Tao nói cho mày biết nhé, tao cho mày đến thăm nó vào thứ bảy là còn may mắn rồi đấy.
- Mẹ đừng có được đằng chân lân đằng đầu. Con đã nghĩ rồi, con sẽ bế Khoai về nhà. Pháp luật cho con làm thế!
Bố chồng tôi chỉ đợi chữ “luật” là nhảy ra:
- Cái gì đấy? Lại định kiện cáo cái gì hả?
Tôi không muốn cãi nhau với bố mẹ chồng, lẳng lặng cầm túi xách và bế theo Khoai ra ngoài. Mẹ chồng tôi chạy theo giữ tôi lại, bà còn không quên dùng móng tay ấn chặt vào da thịt tôi.
- Con ranh, tao bảo không là không cơ mà. Sao mày cứng đầu thế?
Tôi nhìn Khoai, đôi mắt nó cũng chứa chan nhìn tôi, khác hẳn với cái ngày hôm trước khi tôi cố gắng bế nó đi. Đây mới là con trai tôi, đây là đứa con mà tôi đã dứt ruột đẻ ra. Tôi nước mắt ngắn dài bỏ chạy, mặc kệ đôi tay mẹ chồng vẫn đang bám chặt vào tôi.
- Làng nước ơi, bớ làng nước ơi. Việt ơi về mà xem con vợ mày làm gì này.
- Đây là con của con, không phải con của mẹ. - Tôi mạnh tay đẩy mẹ ra khiến bà ngã nhào xuống.
Việt từ đâu xuất hiện vào đúng lúc tôi đang đẩy bà. Toàn bộ cảnh tượng đó lọt vào đôi mắt của anh, và nó bùng lên một ngọn lửa giận dữ.
Chúng tôi nhìn nhau thật lâu, tôi nửa sợ hãi, nửa không biết phải giải thích thế nào cho anh hiểu. Thế là chỉ biết đứng yên một chỗ. Tôi nuốt nước bọt, mặc kệ tất cả và ôm chặt Khoai vào lòng.
Làm ơn hãy cho mẹ thêm sức mạnh! Tôi thầm cầu nguyện. Trong lúc đó, tôi loáng thoáng thấy Việt đang lao đến chỗ mình.
Tôi nhận một cái tát như trời giáng từ Việt. Đồng thời, anh mạnh tay cướp Khoai của tôi đi khiến tôi không kịp kêu lên một tiếng thét nào. Khoai khóc ré lên, nó bá lấy cổ tôi gọi “mẹ, mẹ”, tôi càng thêm đau lòng. Một gia đình hạnh phúc sẽ không có chuyện chia lìa ngay khi còn ở cạnh nhau. Tôi đã phải sống xa con trai tôi những ba năm, đến nay mọi thứ tưởng như nguội lạnh lại càng bùng cháy dữ dội.Việt giằng được Khoai ra, anh gầm lên một tiếng:
- Đứng im đó. Tôi đánh chết cô bây giờ.
Ngay lúc này, tôi thấy Việt cũng giống như bố mẹ chồng của mình. Anh không thông cảm cho tôi, từ trước đến nay, anh chỉ đeo một chiếc mặt nạ để ghìm lại sự bùng nổ vì nhớ con của tôi thôi.
- Việt, anh không thương em và Khoai sao?
Việt nghiến răng, chỉ vào tôi quát lớn:
- Cô vừa đẩy mẹ như thế mà còn nói yêu thương được à? Cô đúng là lòng lang dạ sói, cô muốn hại chết mẹ tôi phải không?
Mẹ chồng tôi được thể tiến đến, chống nạnh, lớn giọng chửi bới:
- Tao nói rồi mà, cái loại mặt này không làm dâu hiền dâu thảo được đâu. Thứ côn đồ như mày thì làm mẹ cái gì? Mày mang hoạ sát con là đúng, đúng lắm!
Tôi khóc lóc, lắc đầu cầu xin họ:
- Chỉ cần cho con đưa Khoai đi chơi một ngày thôi cũng khó khăn như vậy ư?
Mẹ chồng tôi vẫn không giảm giọng:
- Đi chơi à? Mơ đi nhé. Chừng nào thằng Khoai chưa đủ mười tám tuổi thì mày đừng có mong đưa nó đi đâu cả. Làm mẹ mà độc ác, chỉ biết cái lợi trước mắt không chịu tính lâu dài.
Việt thở hắt, anh nắm lấy cổ tay tôi rồi nói với mẹ:
- Chiều con đến, để con đưa cô ta về nhà.
- Đúng rồi, đưa nó về mà dạy bảo lại nó đi. Bố mẹ nó không dạy được thì mày dạy.
Tôi bị Việt kéo đến muốn gãy tay, nhưng anh không còn thương xót cho tôi việc đó. Anh đẩy mạnh tôi lên xe rồi đóng sập cửa lại. Tôi vùng vẫy một hồi, cuối cùng anh trừng mắt hăm doạ:
- Giờ cô muốn sao? Muốn bố mẹ cô muối mặt hay chúng ta muối mặt?
Tôi vừa thở vừa nhìn anh, những lọn tóc vương vào mắt môi. Tôi không biết cảm giác tận cũng đau đớn là như thế nào, nhưng ngay lúc này, tôi thấy tim mình như bị ai đó bóp nghẹt. Cảm giác đơn độc này là từ đâu? Từ khi lấy anh, lúc nào anh cũng nhẹ nhàng, tình cảm, nhưng thật chất, anh hoàn toàn không tin tưởng tôi. Anh cũng mù quáng như bố mẹ anh vậy.
Cứ nói đến Khoai anh đều gạt đi, không gạt đi được anh lại vỗ về an ủi. Và lúc đó thì tôi lại mủi lòng.
- Tại sao anh không muốn con về ở với chúng ta? Tại sao anh lại hờ hững với nó như vậy?
Điều tôi nói chẳng có gì sai trái cả, khi mà từ lúc sinh Khoai ra đến giờ, anh bế nó rất ít. Anh cũng không thường xuyên đến thăm nó. Hầu hết anh nói bận vào những ngày cuối tuần. Liệu anh có bận thật hay chỉ nói như vậy thôi? Anh không thương con của mình, tôi đã cảm nhận thấy điều đó từ lâu nhưng không dám chắc, cũng không dám hỏi. Mọi thứ cứ trôi ở trong lòng, không thể nào tan biến. Cho đến ngày hôm nay, khi anh đánh tôi, tôi mới không kìm được lòng mà buông ra câu này.
Việt nghiến răng, im lặng một lúc. Cuối cùng anh khởi động xe và rời đi mà chẳng trả lời. Như vậy là ngầm thừa nhận anh không hề thương Khoai ư? Nỗi đau như được tăng thêm gấp bội. Tôi vật vã, nhào đến giữ lấy vô lăng của anh khiến suýt chút nữa chiếc xe đã lao lên vỉa hè. Việt vội vàng phanh gấp lại.
Từ đâu đó vang lên tiếng chửi bới, nhưng chúng tôi không còn để ý gì đến nữa. Anh nhìn tôi như thể muốn ăn tươi nuốt sống, gằn lên:
- Cô muốn chết?
- Chết có gì mà phải sợ!
- Vậy cô chết một mình đi.
Nói rồi Việt mở cửa xe, chỉ tay ra:
- Cút xuống.
Tôi hết nhìn đằng sau lại nhìn anh:
- Anh…
Việt hét lớn:
- Cút!
Tôi tức giận vì lời nói này, vội vàng xách túi xuống xe. Anh ta dám đuổi tôi xuống như thế thì tôi cũng chẳng cần ở trên chiếc xe này làm gì. Thậm chí, tôi còn có thể ly hôn và giành quyền nuôi con. Tất cả những gì tôi chịu đựng ở cuộc hôn nhân này là quá đủ rồi.
…
- Mày dại quá, đáng ra mày chẳng việc gì phải đi hết. Giờ mày thấy đấy, mày không có gì trong tay. Không tiền, không con, không nhà, không bố mẹ ở cạnh. Ngoài tao ra thì mày có gì đâu chứ!
Tôi vừa sụt sịt chấm nước mắt, vừa đáp lời Yến:
- Tao chẳng suy nghĩ nhiều đến thế. Tao thấy nhục nhã khi bị anh ta làm như vậy.
- Một là xác định ly hôn thì hãy bỏ đi. Không thì tội gì, mày là vợ, là vợ danh chính ngôn thuận của anh ta. Anh ta không có quyền đuổi mày đi đâu hết. Cái tự trọng của mày vứt cho chó gặm đi, phải mặt dày lên mới sống được với họ.
Nghe Yến nói tôi cũng thông được vài phần, nhưng sự cũng đã rồi. Tôi lau nước mắt đi, cố gắng nặn ra một nụ cười, nhưng không cần nói cũng biết nó khó coi vô cùng. Tôi nắm lấy tay Yến, nhìn thẳng vào mắt nó mà bảo:
- Hôm nay Khoai đã truyền thêm cho tao sức mạnh, ánh mắt của nó khi nhìn tao khiến tao có cảm giác cuộc đời này… chẳng ai có thể thay thế tao làm mẹ của nó.
Yến hờ hững hỏi:
- Thế rồi thì sao nữa?
- Tao không biết, nhưng bằng mọi giá tao phải đưa nó trở về. Sát con thì sao chứ? Chẳng có điềm gì mà không hoá giải được.
Lúc này Yến mới có vẻ chú ý vào tôi một chút, nó nhìn tôi dò hỏi:
- Mày định làm gì?
- Tao chỉ thấy tao ngu, sao trước giờ tao không nghĩ ra cách này sớm hơn.
- Rốt cuộc là chuyện gì?
- Thì mày cũng biết đấy, mẹ chồng tao mê tín quá thể. Giờ tao chỉ việc nhờ một ông thầy cao tay đến nhà giải hạn, nói vài câu cho mẹ chồng tao hiểu là được thôi.
Yến gật gù:
- Nghe cũng có lý. Nhưng nếu mẹ chồng mày vẫn không đồng ý thì sao? Có phương án B chưa?
- Phương án B à? Phương án B là chỉ còn cách đi yểm bùa cho bà ta sợ.
Yến nghe đến đây liền ngửa đầu cười lớn. Tôi chưa bao giờ thấy nó khoái trá với cách nói chuyện của tôi đến vậy. Yến vỗ mạnh vào lưng tôi khiến tôi phải cau mày:
- Được đấy. Chơi với tao nhiều năm như vậy cũng khôn ra chút rồi.
Tôi bĩu môi:
- Tao giả ngu thôi.
Chúng tôi cùng nhau đi tập yoga, vứt bỏ hoàn toàn những muộn phiền trong lòng mà tiến vào bài thiền. Tôi càng cố gắng không nghĩ gì đến Thành đang ở ngay trong lớp học. Giờ đây mọi thứ tôi phải thật tĩnh tâm, chỉ có tĩnh tâm mới giải quyết hết được mọi chuyện.
Tôi không dám kể cho bố mẹ nghe chuyện gần đây, chuyện tôi đang đấu tranh giành lại Khoai nữa. Vì nếu nói, ông bà sẽ lại mắng nhiếc tôi. Bố mẹ tôi ở quê, tính vốn cổ hủ, lại chân chất thật thà, cứ nghe mẹ chồng tôi nói vài câu là lại khúm núm như mang nợ bà ta không bằng. Tôi biết tôi cũng chẳng phải dâu hiền dâu thảo gì, nhưng tôi đã nhẫn nhịn mẹ chồng đủ đường. Giờ đây, khi Khoai bắt đầu có nhận thức, tôi không muốn để nó ở trong cái cảnh có mẹ mà không được ở gần nữa. Tôi phải chiến đấu cho con trai của tôi.
Thầy giáo người Ấn bắt đầu nói bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ rằng:
- Hôm nay chúng ta sẽ tập đôi.
Và ngay lập tức, toàn bộ lớp học tự động chọn đôi cho mình. Chỉ còn chừa lại tôi với Thành, hai đứa nhìn nhau mà vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra.
Tôi liếc mắt qua Yến, nó đang bụm miệng cười trêu tức tôi.
- Mày…
- Nào, vào vị trí đi Thanh. - Thầy giáo giục giã.
Khi tôi còn đang luống cuống không biết nên tiếp tục hay dừng lại, thì Thành liền bước đến ngay trước mặt tôi, nói nhỏ nhẹ chỉ để mình tôi nghe:
- Không sao đâu. Đâu phải chúng ta chưa từng gần gũi bao giờ!
Theo Lan Vy (Khám Phá)