Làm dâu chốn địa ngục (phần 1)

Tôi lấy chồng từ năm hai mươi lăm tuổi, hai năm sau, tức năm hai mươi bảy tuổi có người con trai đầu tiên. Mẹ chồng tôi nói rằng mệnh tôi không hợp con, ở gần sẽ gây hoạ sát con, tôi cắn răng van nài bà suy nghĩ lại nhưng bà không chịu. Khi tôi sinh con vừa tròn hai tháng, bà tới và bế nó về bên đó. Một tuần tôi được qua thăm con vào cuối tuần. Còn lại thì không. Bà sợ gặp nhiều cũng sẽ kéo tới những điều không hay.

Chồng tôi là một người đàn ông hiếu thuận nhưng nhu nhược, anh ta không bao giờ dám làm trái ý mẹ. Nhưng tôi dám khẳng định là anh yêu tôi. Đôi khi thấy tôi nhớ con, nằm khóc một mình thì anh đều ôm tôi an ủi. Anh nói với tôi rằng chúng tôi sẽ sinh thêm một đứa nữa để tôi bớt hiu quạnh. Từ đó đến nay đã thêm ba năm nữa mà tôi vẫn chưa đậu thai.

Để nói về tôi cũng không có gì nhiều, sống đơn giản, chân thành, hết lòng với gia đình nhà chồng. Ngày tôi về làm dâu nhà họ, mẹ tôi đã nói với tôi rằng dù thế nào cũng phải nhẫn nhịn và chịu đựng, rồi sẽ quen thôi. Tôi được mẹ dạy bảo tử tế, chưa bao giờ có một câu cãi chồng hay cãi mẹ chồng. Tôi nấu ăn không ngon cho lắm nhưng chồng tôi không mấy khi phàn nàn. Anh ấy luôn rất dịu dàng và nâng niu tôi, như thể anh biết được tôi bị tổn thương vì đứa con vừa đẻ ra đã bị bế đi mất. Dù nó vẫn là con tôi, nhưng tôi có cảm giác như tôi đã mất nó.

Con trai tôi ba tuổi, gọi tôi là mẹ và xưng em. Lúc thấy tôi tới, nó chào tôi đầy xa cách. Tình mẫu tử mà mọi người nói đã được nó hướng đến nơi mẹ chồng. Bà vừa là mẹ, vừa là bà nội của nó.

- Sao mặt cô cứ ủ rũ ra thế hả? Người khác nhìn vào lại bảo tôi ngược đãi cô.

Không phải mặt tôi ủ rũ, tôi chỉ cảm thấy không đành lòng. Tôi ước gì mình có thể bế con trai về nhà, dạy bảo nó theo cách của mình. Nói với nó tôi yêu nó nhiều như thế nào. Nhưng thật là khó khăn. Điều duy nhất tôi có thể làm chỉ là nhẫn nhịn và chịu đựng thôi.

Làm dâu chốn địa ngục

Tôi ước gì mình có thể bế con trai về nhà, dạy bảo nó theo cách của mình. Nói với nó tôi yêu nó nhiều như thế nào. (Ảnh minh hoạ)

Lúc ra về, chồng tôi xoa vai tôi. Anh cài dây an toàn giúp tôi và bảo:

- Mẹ chỉ nói vậy thôi, nhìn mẹ dạy bảo Khoai là anh thấy mẹ yêu nó như thế nào rồi. Mẹ yêu nó cũng coi như là yêu em.

Lời an ủi của anh càng khiến tôi buồn thêm. Tại sao anh lại nói một câu không liên quan đến vậy? Rõ ràng trông mẹ chồng chẳng có gì là yêu thương tôi cả. Bà chưa một lần cười với tôi. Lúc nào trông bà cũng như bực tức tôi chuyện gì đó. Dù tôi đã rất lễ phép với bà.

- Ngày mai anh phải đi công tác rồi, em có muốn đi cùng không?

- Tại sao lại đi cùng ạ?

- Coi như là đi du lịch luôn. Trong thời gian anh họp và gặp mặt đối tác, em hãy đi đâu đó cho khuây khoả. Cũng lâu rồi vợ chồng mình chưa đi du lịch với nhau mà.

Tôi không biết nữa, đúng là lâu rồi tôi chưa ra khỏi thành phố này. Tôi như một con chim trong lồng đã bị thuần hoá. Tôi không muốn bay đi đâu cả. Đôi cánh của tôi đã quá nặng nề để nâng tôi lên rồi. Nhưng chưa một lần nào tôi nghĩ mình đang gặp bi kịch hôn nhân.

Cuối cùng tôi chỉ đáp nhỏ:

- Để dịp khác đi.

Tôi gặp Việt - chồng tôi vào khoảng bảy năm trước, khi ấy tôi còn làm bên một nhà mạng điện thoại. Anh ấy đến để thanh toán khoản phí cho SIM của mình. Thực ra tôi sẽ không yêu anh nếu không có chuyện ngay sau đó tôi bị quản lý ở đó chèn ép và anh đã nói giúp. Anh có bảo với tôi rằng anh cũng bị tôi thu hút nên mới giúp. Sau đó chúng tôi dây dưa mãi mới cưới được nhau.

Dây dưa ở đây chính là chuyện anh đã phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tán đổ tôi. Bởi vì lúc ấy trong lòng tôi còn có một người khác.

Người đó tôi sẽ tạm thời không nhắc đến, bởi vì anh ta là một nỗi đau. Người ta bảo nỗi đau thì nên quên đi hơn là nhắc lại. Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ đến tôi lại thấy âm ỉ.

- Em nên đi chơi nhiều hơn đấy Thanh. Nếu ở nhà tù túng quá thì ra ngoài mua sắm, xem phim với bạn bè. Anh thì bận không đi cùng em được. Em có thể rủ cái Yến đi cùng.

Yến là bạn thân từ hồi cấp ba của tôi, cô ấy vẫn chưa có chồng. Nó là cái đứa lông bông, không bao giờ muốn lấy một ai cả. Hồi tôi lấy chồng nó cứ gàn mãi, còn lôi ra biết bao nhiêu hệ luỵ của việc kết hôn. Nhưng tôi không muốn yêu để đó, cho nên nhắm mắt đưa chân ấn mình xuống cái hố này. Đúng như Yến nói, không phải việc gì đi tới kết quả cuối cùng đều tốt đẹp. Hôn nhân là một kết quả không mấy như ý, dù ngoài mặt giữa tôi và chồng chẳng có chuyện gì xảy ra.

- Anh sẽ đi công tác trong bao lâu? - Tôi hỏi Việt.

- Khoảng năm ngày gì đó, nếu mọi thứ êm đẹp.

- Em không muốn đi du lịch mà anh phải vướng bận bởi công việc. Em muốn đi khi chúng ta thực sự dành thời gian cho nhau.

Việt liếc nhìn tôi, anh đánh tay lái:

- Được rồi, anh hiểu. Vậy mình sẽ đi vào tháng sau nhé? Tháng sau anh rảnh.

- Vâng.

Tôi không bao giờ nói cho Việt biết những khó chịu trong lòng vì tôi sợ anh sẽ nghĩ ngợi. Trước kia Việt nghiện thuốc lá, nhưng từ khi yêu tôi anh đã bỏ. Tôi chỉ sợ anh vì suy nghĩ nhiều mà lại tìm đến thuốc lá để giải toả, như vậy thì sẽ rất có hại.



Sáng hôm sau, tôi nghe Việt chuẩn bị quần áo ra ngoài. Đã lâu rồi tôi không đi mua sắm. Tôi gọi điện cho Yến, nhưng cô ta nói cô ta phải làm. Tôi quên là Yến phải đi làm, còn tôi thì không. Tôi cũng muốn đến nhà mẹ chồng để gặp Khoai, nhưng sợ bà lại đuổi tôi về như bao lần.

Tôi là người có suy nghĩ hơi tiêu cực trước mọi vấn đề, tức là bất kỳ việc nào, tôi cũng nghĩ đến tình huống xấu cho nó trước. Khi nghĩ về Khoai, tôi cứ sợ nó chơi một mình sẽ không ai để ý, nó sẽ xảy ra chuyện. Rồi nó phải ở với bà nội, liệu nó có nhớ tôi không? Mọi suy nghĩ khiến tôi không có ý thức gì trong việc mua sắm. Tôi cứ đi lang thang mãi, cuối cùng đứng trước cổng nhà mẹ chồng lúc nào không hay.

Bố chồng tôi vốn là một người đàn ông sợ vợ, ông ta luôn dung túng cho mọi việc của mẹ chồng.

Lúc tôi đến thì bố đang tưới cây, ông hỏi:

- Hôm qua vừa tới rồi mà?

Tôi cúi đầu đáp:

- Dạ con nhớ Khoai quá nên…

- Cái gì đấy? - Mẹ chồng tôi đứng trên tầng hai quát vọng xuống. - Hôm nay là thứ mấy mà đã qua rồi.

Tôi ngước đến lên van xin mẹ:

- Mẹ ơi mấy cái chuyện mê tín này không hợp lý chút nào. Con chỉ qua thăm cháu một chút thôi, con không làm gì cả.

- Đừng có hòng mà làm hại cháu tôi. Tôi đã nói rồi cho đến năm nó mười tám tuổi thì mẹ con hãy về ở với nhau. Còn bây giờ thì chớ.

- Mẹ ơi con xin mẹ, mẹ cũng có con mà, mẹ cũng hiểu được xa con mình khổ sở như thế nào mà. Mẹ làm ơn làm phước cho con gặp Khoai một phút thôi cũng được.

Mẹ chồng chỉ tay:

- Ông, ông đuổi nó đi đi khổ quá. Sao mẹ gì mà vô tâm thế? Tôi đã nói nó mang hoạ sát con rồi mà nó không nghe. Mày thương nó thì mày đi giùm đi, mày là mẹ mà mày không sợ con mày chết à?

Tôi quỳ xuống, đây là lần đầu tiên tôi phải làm điều đó, nhưng bố chồng đã tới nâng tôi dậy.

- Nào đi về đi đã, có gì cuối tuần đến đây rồi nói chứ ai lại quỳ thế này.

Tôi vừa khóc vừa gào lên:

- Mẹ ơi, cho con gặp một chút thôi, hay nhìn qua cũng được. Mẹ bế cháu ra ngoài này để con nhìn từ dưới đi mẹ.

Mẹ chồng tôi quay đi, đóng cửa ban công lại. Tôi lại xa con thêm một chút nữa.

Rồi nó sẽ lớn, rồi nó sẽ không có tình cảm gì với tôi. Tại sao cuộc đời tôi lại phải mang hoạ sát con? Tôi rất muốn gặp ông thầy bói đó. Tôi sẽ ném tất cả quẻ số tử vi vào trong đống lửa, tôi sẽ chỉ tay vào vị thần ông ta đang thờ dù đó có là hành động báng bổ. Tôi sẽ bảo vệ con tôi bằng tất cả giá nào, dù Thần Chết có cận kề.

Nhưng tôi không thể làm thế. Các vị thần vẫn là các vị thần, tôi vẫn là tôi. Có lẽ họ đang thao túng tất cả và nhìn tôi bất lực vùng vẫy.

Với người khác cuộc sống của họ là một dòng chảy nhanh, mạnh, với tôi, cuộc sống trôi qua thật nặng nề và chậm rãi. Mỗi tuần phải ngồi chờ đến khoảnh khắc được gặp con đều dài như thế kỷ. Tôi cảm thấy tâm hồn mình héo úa đi vì chờ đợi nhưng không biết làm cách nào hơn.

Nhiều khi tủi thân, ức chế gọi điện cho mẹ kể khổ, mẹ chỉ biết thở dài bảo:

- Con ơi đã về làm dâu nhà họ thì phải thuận theo nhà họ, cố gắng chịu đựng chờ đến đứa sau, dồn hết tình yêu cho nó thôi.

- Con không chịu được mẹ ạ! Con thấy tức lắm. Tức cả chồng con nữa. Sao anh ấy lại xa được đứa con của mình? Anh ấy không xót nó hay sao?

- Con còn lạ gì chồng con nữa, cả cái nhà đó đều nằm trong tay mẹ chồng con. Chẳng ai thay đổi được chuyện gì cả đâu.

Chẳng ai thay đổi được chuyện gì sao? Tôi chưa bao giờ nghĩ lấy chồng lại chính là một cuộc chiến như thế này.

Nghe lời mẹ nói mà tôi lại chỉ càng thêm đơn côi. Không có ai hiểu cho tôi cả, ai cũng nghĩ tôi phải xuôi thuận theo số phận, vì tôi là dâu. Nhưng Khoai là con trai của tôi, nó còn sống, tôi cũng còn sống, vậy mà lại như cách biệt nghìn trùng. Tôi cảm thấy thật bế tắc với cuộc sống này.

Việt bắt đầu chuyến công tác dài ngày, anh gọi điện, nhắn tin cho tôi suốt vì sợ tôi sẽ buồn. Nhưng nỗi buồn của tôi đâu phải nỗi buồn chán như anh tưởng. Phải khi nào tôi được sống cùng Khoai thì nỗi buồn này mới vơi đi được.

Ấy thế mà mỗi lần về nhà nội, gặp hàng xóm ai cũng cười chào tôi theo cái kiểu: “Trông kìa, con bé thật may mắn. Nhìn nó thật là có số hưởng”. Thật vậy, ngoài những người hiểu được nội tình ra, ai nhìn vào cũng bảo tôi có một bà mẹ chồng trên cả tuyệt vời. Ngày cưới, một mình tay bà lo liệu từ trong ra ngoài. Bà còn lo cho cả lễ cưới bên nhà gái. Ngày tôi sinh nở, bà đi hết Đông Tây Nam Bắc tìm thầy bói tính giờ sinh chuẩn để con tôi ra đời có số Đại Phúc Đại Cát, cả đời sung sướng. Cuối cùng có được lá số ấy rồi, thì mẹ con tôi lại phải chia lìa. Lúc ấy bà chép miệng buông một câu rằng:

- Thôi được cái này mất cái kia. Cũng may là ra đúng giờ.

Nhiều lần nghe người ta khen tôi có mắt, chọn được nhà chồng tâm lý, yêu chiều mà tôi thực muốn đánh chết họ. Họ không hiểu những tổn thương mà tôi phải nhận nhiều đến thế nào, thì làm sao có thể mở miệng phán như vậy!

Chuyện là sau khi lo lễ cưới cho bên nhà gái giúp bố mẹ tôi, thì mẹ chồng tôi qua nói bóng gió rằng đã giúp đến như vậy rồi mà còn không biết đáp lễ hay sao. Bố mẹ tôi đành phải bán đứt mấy mảnh ruộng vườn đi để lo cho vợ chồng tôi cái mảnh đất, sau đó vợ chồng tôi tích góp mới xây được căn nhà như hiện giờ.

Mẹ chồng tôi xưa nay nổi tiếng là khéo ăn, khéo nói, khéo lấy lòng người. Đi đâu bà cũng được người ta ca tụng hết lời. Duy chỉ có tôi là nhìn thấu con người bà thôi.

Nếu ai nói mẹ chồng tôi hào phóng, thì họ đã bị đánh lừa rồi. Cụ thể là chuyện cho gia đình tôi vay tiền tổ chức lễ cưới, rồi quay lại lấy gấp mười lần số tiền đó. Rồi nếu ai nói mẹ chồng tôi tốt với con dâu, thì tốt ở đây là bà đã ngang nhiên bế con của tôi đi. Thậm chí còn nói bố mẹ tôi sao khi xưa lại sinh tôi ra vào cái giờ oái oăm như vậy, để bây giờ tôi mang hoạ sát con.

Còn rất nhiều chuyện nữa về mẹ chồng nhưng tôi sẽ không kể ra. Bởi chỉ cần nghe đến đây cũng đủ hiểu được bà là một người như thế nào.

Lúc tôi bảo với Việt rằng lo tiền điện hằng tháng cho bố mẹ ở quê, thật ra cũng chỉ có hơn một trăm ngàn thôi không có gì nhiều. Nhà quê đâu dùng điều hoà, máy giặt gì lắm. Nhưng mẹ chồng tôi biết được liền chống tay vào nạnh mà quát vợ chồng tôi mang tội bất hiếu. Tôi về làm dâu là phải phụng dưỡng mẹ chồng, đằng này lại dám lôi kéo chồng lo cho nhà vợ là việc trời đánh. Bà nói ở cái đất nước Việt Nam này tục lệ là vậy, còn không thích thì sang Tây mà sống. Việt thấy thế cũng xuôi thuận, kéo tay tôi bảo rằng:

- Dù sao có hơn một trăm ngàn. Ông bà cũng có lương hưu. Mình đóng cái gì to tát chứ cái nhỏ nhặt ông bà lại tự ái.

Tôi nghĩ đó cũng là chuyện nhỏ nên không so đo nữa. Nhưng mà tôi lại nghĩ đến chuyện lắp cho bố mẹ cái máy giặt, để ông bà không phải giặt tay trời lạnh nữa. Đến khi lắp xong lại bị mẹ chồng đem ra sỉ vả bảo cứ chiều người già, rồi đến lúc họ lại như trẻ con, được đằng chân lân đằng đầu.

Thiết nghĩ mẹ chồng tôi cũng xấp xỉ tuổi bố mẹ tôi, bà được ở nhà sang, máy giặt điều hoà đầy đủ, bà nói vậy mà không biết ngượng miệng hay sao? Nhưng tôi nghe xong cũng đành im lặng, không dám nói lại. Tôi sợ Việt sẽ tức giận, với lại hàng xóm người ta nhìn vào cũng không hay.

Cứ như thế, tôi làm dâu một cách nhẫn nhịn và chịu đựng đã được hơn năm năm trời rồi.

- Đã thấy chưa? Tao bảo rồi mà. Lấy chồng sớm làm gì cho lời ru thêm buồn! - Yến chép miệng nói.

Tôi nhìn cái ly sinh tố bị nó khuấy đến đáng thương. Đáp:

- Tao cũng khổ tâm lắm. Đời chẳng bao giờ mê tín cái chuyện gì, thế mà cuối cùng lại bị mấy thứ nhảm nhí đó làm cho ảnh hưởng.

- Tao nói thật nhé, tao mà là mày tao cứ đến nhà bả rồi dắt đứa con về. Ra sao thì ra. Bà thích thì tìm đứa khác về mà đẻ cho bà.

- Thôi, như vậy cũng không phải lắm. Dù sao cũng là mẹ của chồng mình mà.

- Mày cứ hiền lành như vậy bảo sao không bị bắt nạt. Thời buổi bây giờ làm gì có chuyện về làm dâu nhà nào thì chết làm ma nhà đấy nữa. Mọi thứ đều phải công bằng và quyền lợi, hiểu chưa?

- Hiểu, hiểu, hiểu…- Tôi vội vàng chuyển sang chủ đề khác - Thế chuyện của mày với anh Hùng thế nào rồi?

Yến cũng nhanh chóng bị tôi đánh lạc hướng, nói đến Hùng cô ta nhanh nhảu kể ngay.

Cuộc nói chuyện của hai đứa luôn luôn diễn ra như vậy. Tôi nói xấu mẹ chồng, than thở với Yến, sau đó nó đưa ra một giải pháp hết sức quyết liệt, và tôi không dám làm theo. Cuối cùng dừng lại ở chuyện của nó với một người đàn ông nào đó.

Sau đó tôi đến siêu thị để mua một chút đồ. Nấu cơm một mình, ăn cơm một mình. Cảm thấy chuyện này dễ dàng nhưng mình làm cũng không xong. Vì tôi thấy nhớ thằng Khoai quá. Tôi cứ nhớ mãi cái lần bác sĩ đặt nó lên ngực tôi, nghe nó khóc oe oe, cảm nhận sự sống nảy mầm từ nó ấm áp, nhớp nháp trên da thịt của mình mà không khỏi xúc động. Tôi muốn có cảm giác ấy một lần nữa. Tôi muốn được ôm con trong tay, được dỗ dành khi nó khóc, được nghe nó gọi “mẹ ơi, mẹ ơi…”

Đứng bần thần rất lâu ở gian hàng tươi sống, một anh chàng ra bảo tôi rằng:

- Chị có cần em giúp gì không?

Tôi vội vàng lắc đầu, che giấu cảm xúc của mình:

- Không, không cần.

Vừa định quay đi tôi đã va phải một người đàn ông, nhưng tôi còn chưa kịp nói lời xin lỗi thì anh ta đã nhanh chóng rời đi. Tôi nhìn theo, thấy quen thuộc nhưng không thể nào nhìn rõ.

Hình như đó là anh.

Khi tôi quay đầu lại, không thấy người đàn ông đó đâu nữa. Chắc có lẽ tôi đã lầm.

Theo Lan Vy (Khám Phá)

Làm dâu chốn địa ngục (phần 1) Làm dâu chốn địa ngục (phần 1) Reviewed by Dương Your on tháng 8 09, 2018 Rating: 5
Được tạo bởi Blogger.